Ads
Tin hot
Loading...

Về Thanh Hóa thưởng thức chả tôm…

Những ngày này, Vũng Tàu nắng quá, nắng đến nỗi tôi tưởng chừng như mình đang đi giữa tháng năm cùng những trận gió Lào cháy rát của quê hương Thanh Hóa. Và rồi cứ chiều chiều, mây đen ùn ùn giăng mắc, kéo về những trận mưa rào ngập bong bóng nước. Tôi còn nhớ, sau những cơn mưa như vậy, tôi và cô bạn thân lại kéo nhau đi ăn chả tôm.


Tôi chưa từng thấy món chả tôm này trước đây, mặc dù là người Thanh Hóa. Bởi món này chỉ được biết đến ở một vùng rất nhỏ của trung tâm Thành phố. Sầm uất và ngon hơn cả là khu vực cạnh nhà thờ lớn Thanh Hóa. Cứ khoảng chiều gần tối, người ta ùn nhau đi ăn món này, khiến khu vực phường Trường Thi rộn ràng hẳn, nhất là những ngày lễ lớn.

Trong dịp về Thanh Hóa công tác, tôi được cô bạn thân người thành phố dẫn đi ăn, về sau thì nghiền. Đến bây giờ, khi nhắc tới, tôi vẫn thèm lắm. Nhưng thật tiếc, những chiếc chả tôm xinh xắn, ngon lành ấy chỉ có thể có khi về Thanh Hóa quê hương.
Tôi cũng đã lân la hỏi cách làm chả tôm, nhưng có lẽ, người làm có bí quyết riêng của họ. Nên dù biết cách làm, món chả tôm tôi cuốn không có được cái vị mà tôi từng ăn ở quê nhà. Nhiều lúc tôi nghĩ, biết đâu đấy, đó không phải là mùi vị, mà có lẽ, đó chính là cái không khí, là niềm nhớ, niềm thương của một người con về đất mẹ. Giống như tôi từng nghe có rất nhiều Việt kiều nói rằng, cùng một món ăn, cùng một người nấu, nhưng trộn hương vị quê hương, được thưởng thức cùng không gian và dư vị của nơi chôn nhau cắt rốn khác nhau hoàn toàn. Chính vì thế, có biết bao người con đã tìm về với đất Việt, chỉ vì tìm lại cội nguồn qua những món ăn, qua tình cảm gần gũi, gắn bó.
Tôi cũng như vậy. Khi ngồi viết những dòng này, hồi ức đang vẽ cho tôi những chiếc chả tôm ngon lành được chế biến cầu kỳ. Tôm được xay nhuyễn cùng với chút bột gấc để tạo màu, sau đó trộn cùng với thịt ba chỉ bằm đã được xào vàng cùng hành, tỏi để tạo hỗn hợp nhân. Bánh được gói bằng phở vuông (người Hà Nội hay gọi là phở cuốn) nhỏ bằng lòng bàn tay, xếp vào vỉ, đem nướng trên than hoa hoặc chiên tùy sở thích của từng người. Bánh được ăn kèm với rau sống, rau thơm và nước chấm được pha theo công thức riêng, chua chua, ngọt ngọt, thanh thanh, kèm củ quả được ngâm chua khiến món ăn trở nên quyến rũ, mềm, đậm đà. Bánh cũng thường được ăn kèm bún, dưa leo, hoặc thịt nướng.


Bánh quen thuộc với người thành phố Thanh Hóa đến nỗi, nhiều bạn trẻ ngay khi vừa xuống xe ở quốc lộ là sà ngay vào quán, hít hà, thưởng thức, vừa đã cơn đói, vừa đã cơn thèm, vừa sống  lại cảm giác “về nhà”.
Mỗi tối cuối tuần, nhiều gia đình chọn cho mình quán quen, lân la ăn bánh, trò chuyện, kèm ly trà nóng cho bố mẹ, hoặc ly xoài dầm thanh mát cho con trẻ. Bên ngoài những vỉ nướng bốc khói, hương thơm lan tỏa, hòa quyện cùng giây phút thành thơi của họ…

amthucdanda.com

Share on Google Plus

Ẩm thực dân dã Việt Unknown

“Bí quyết thành công trong đời là ăn những gì bạn thích và để mặc chúng “quyết đấu” trong bụng bạn.” – Mark Twain

0 nhận xét :

Đăng nhận xét